Kéo dài tuyến metro số 1 về Đồng Nai: Hiệu quả lớn!

Đề án kéo dài tuyến metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên về Đồng Nai và Bình Dương đang được nghiên cứu để triển khai. Đây là tuyến giao thông được cả chuyên gia trong ngành cũng như các nhà kinh tế đánh giá sẽ mang lại hiệu quả lớn.
images1896311 7A
Hướng tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên kéo dài thêm 2km đi Bình Dương và Đồng Nai.

Lợi ích của tuyến giao thông này không chỉ cho riêng TP.Hồ Chí Minh hay Đồng Nai, Bình Dương, mà sẽ là lợi ích chung theo quy hoạch vùng TP.Hồ Chí Minh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

* Vùng đô thị trung tâm

Theo quy hoạch vùng TP.Hồ Chí Minh bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính TP.Hồ Chí Minh và 7 tỉnh xung quanh, gồm: Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang với diện tích khoảng 30.400 km2, bán kính ảnh hưởng từ 150 - 200km. Ngoài 2 đô thị vệ tinh độc lập là Biên Hòa và Thủ Dầu Một, còn các đô thị vệ tinh phụ thuộc là đô thị mới: Nhơn Trạch, Tam Phước, Long Thành, Trảng Bom, Hiệp Phước, Củ Chi, Đức Hòa, An Lạc, Nhà Bè, Cần Giờ, Dĩ An - Thuận An và các đô thị vùng phụ cận: Dầu Giây, Vĩnh Cửu, Tân Uyên, Mỹ Phước, Hậu Nghĩa, Bến Lức, Cần Giuộc.

Theo quy hoạch xây dựng vùng TP.Hồ Chí Minh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050, TP.Hồ Chí Minh là đô thị hạt nhân và liên kết, hỗ trợ giữa các vùng đô thị, đặc biệt là vùng đô thị trung tâm có bán kính 30km.

Cũng theo quy hoạch này, vùng đô thị trung tâm gồm đô thị hạt nhân TP.Hồ Chí Minh và các đô thị vệ tinh độc lập là TP.Biên Hòa (Đồng Nai), TP.Thủ Dầu Một (Bình Dương).

Trong đó, quy hoạch không gian công nghiệp - thương mại dịch vụ, không gian vùng trung tâm sẽ gồm các khu công nghệ cao, phát triển công nghiệp sạch có hàm lượng kỹ thuật cao, các trung tâm thương mại, tài chính, văn hóa, khoa học tầm quốc tế.

Quy hoạch cũng chỉ ra định hướng phát triển hạ tầng giao thông, cấp điện, cấp thoát nước và vệ sinh môi trường phải mang tính liên kết vùng, bảo đảm khai thác các lợi thế của từng khu vực cho sự phát triển nhanh và bền vững cho không gian kinh tế - xã hội.

images1896050 ban do
Hướng tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên kéo dài thêm 2km đi Bình Dương và Đồng Nai.

Theo quy hoạch, TP.Biên Hòa là đô thị vệ tinh lớn sẽ đóng vai trò khá quan trọng trong quy hoạch vùng đô thị TP.Hồ Chí Minh, bởi Biên Hòa là nơi phát triển công nghiệp khá mạnh và sử dụng các dịch vụ từ TP.Hồ Chí Minh khá nhiều.

Vì vậy, việc kết nối 2 đô thị trở nên hết sức cần thiết để khai thác các lợi thế của nhau. Cụ thể, TP.Hồ Chí Minh là trung tâm thương mại, tài chính, khoa học thì Biên Hòa là nơi phát triển công nghiệp, sản xuất. Vì vậy, tuyến metro được kéo đến TP.Biên Hòa sẽ giúp kết nối giao thông thuận tiện hơn giữa 2 đô thị.

Để được triển khai đoạn metro số 1 Bến Thành – Suối tiên kéo dài hai địa phương Đồng Nai và Bình Dương phải làm việc với Bộ Giao thông – vận tải sau đó báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định. Nếu được duyệt, trong giai đoạn 1 từ năm 2019-2022 sẽ triển khai tuyến metro kéo dài 2km từ ga Suối Tiên đến ga nút giao (thuộc TX.Dĩ An. Bình Dương), đoạn này cần khoảng 2.300 tỷ đồng. Giai đoạn 2 dự kiến thực hiện sau năm 2023 với chi phí trên 18.900 tỷ đồng, gồm các chi phí điều chỉnh tuyến metro số 1 đến ga nút giao; kéo dài 8km về Biên Hòa (hơn 8.400 tỷ đồng), về TX.Dĩ An, Bình Dương 6km (hơn 6.100 tỷ đồng) và mua sắm thêm toa tàu (gần 4.350 tỷ đồng). Tuyến metro về TP.Biên Hòa cần xây dựng 7km cầu cạn, 500m cầu đặc biệt và 4 nhà ga.

* Ngàn tỷ cho 1 cây số

Nhóm nghiên cứu Nhật Bản tính toán, để kéo tuyến metro về 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương như đề xuất cần gần lượng vốn gần 1tỷ USD, trong đó đoạn dài 2km từ ga Suối Tiên đến ga nút giao (đặt tại Bình Dương) cần khoảng 2,3 ngàn tỷ đồng; số tiền cần cho chi phí nối dài từ ga nút giao về Biên Hòa 8km là hơn 8,4 ngàn tỷ đồng.

Như vậy, để đầu tư 1km metro phải tốn trên 1 ngàn tỷ đồng. Cũng theo nhóm nghiên cứu này, lưu lượng hành khách ước tính vào năm 2030 lượng khách của tuyến metro số 1 là hơn 532 ngàn khách/ngày, tuyến kéo dài đến Biên Hòa là 107.500 khách/ngày.

Ông Vũ Văn Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Nam Kiến (phường Tân Biên, TP.Biên Hòa), cho hay hàng ngày có  một lượng lớn người dân từ TP.Hồ Chí Minh đến Biên Hòa làm việc và ngược lại. Chính ông cũng sống ở TP.Hồ Chí Minh và hàng ngày vẫn đi đến Biên Hòa để làm việc bằng xe buýt.

“Nếu metro kéo đến Biên Hòa thì rất tiện lợi. Nhiều người sẽ sử dụng phương tiện này để đi lại thay cho xe riêng, vì khi vào nội ô TP.Hồ Chí Minh việc lưu thông, gửi xe rất khó khăn” - ông Dũng chia sẻ.

Ông Mai Văn Nhơn, Phó ban Quản lý các khu công nghiệp, cũng cho biết các chuyên gia người nước ngoài cùng với một số lượng lớn công nhân kỹ thuật tay nghề cao làm việc ở các doanh nghiệp tại Biên Hòa hàng ngày vẫn đi/về TP.Hồ Chí Minh. Như vậy, nhu cầu đi lại của người dân giữa 2 thành phố là rất lớn.

Giám đốc Sở Giao thông - vận tải Trịnh Tuấn Liêm cho rằng, về lâu dài, tuyến metro được kéo đến TP.Biên Hòa không chỉ phục vụ đi lại của người dân 2 thành phố, mà còn kết nối với các phương tiện giao thông khác để phục vụ người dân ở các đô thị vệ tinh trực thuộc trong tỉnh, như: Long Thành, Tam Phước, Trảng Bom…  

Quốc Khánh

Nguồn tin: www.baodongnai.com.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây