Chuẩn bị khởi công 2 đường cao tốc đi qua Đồng Nai

(TBKTSG Online) - Hai dự án đường cao tốc đi qua tỉnh Đồng Nai là Dầu Giây – Phan Thiết và Dầu Giây – Liên Khương dự kiến sẽ được khởi công trong năm nay 2017.
Hai tuyến cao tốc sắp xây dựng sẽ kết nối với đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây tại nút giao Dầu Giây
Hai tuyến cao tốc sắp xây dựng sẽ kết nối với đường cao tốc TPHCM - Long Thành - Dầu Giây tại nút giao Dầu Giây

Theo kế hoạch dự kiến của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), trong quí 1-2017 sẽ khởi công hợp phần 1 dài 36 km đường cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết.

Đường cao tốc này có tổng chiều dài trên 100 km và được tách thành 2 hợp phần. Trong đó, hợp phần 1 dài 36 km từ Dầu Giây đến huyện Xuân Lộc, Đồng Nai được đầu tư bằng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB).

Hợp phần 2 dài 62km từ huyện Xuân Lộc đến Phan Thiết đang được Bộ GTVT xây dựng cơ chế đầu tư theo hình thức PPP (hợp tác công - tư) và dự kiến khởi công vào cuối năm 2017.
 

Dự kiến, tổng số vốn đầu tư cho hai hợp phần là hơn 17.700 tỉ đồng, trong đó hợp phần 1 là 6.200 tỉ đồng.

Dự án cao tốc thứ 2 là Dầu Giây - Liên Khương cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị để khởi công giai đoạn 1 từ Dầu Giây đến Tân Phú trong năm 2017. Đoạn này có chiều dài gần 60 km, được thực hiện theo hình thức BOT.

Giai đoạn 1 xây dựng đường có quy mô 4 làn xe hạn chế (nền đường rộng 17mét), vận tốc thiết kế 80km/giờ, tổng mức đầu tư 4.635 tỉ đồng

Theo đề xuất của Ban Quản lý dự án 1 (PMU1) dự án sẽ khởi công trong quí 4- 2017 và hoàn thành giai đoạn 1 trong vòng 3 năm.

Thực hiện chủ trương của Bộ GTVT, việc đầu tư theo hình thức BOT chỉ thực hiện và thu phí trên các tuyến đường mới để người dân có sự lựa chọn giữa đường thu phí và không thu phí.

Dự án Dầu Giây – Liên Khương là tuyến cao tốc xây dựng mới chạy gần như song song với quốc lộ 20 hiện nay. Do vậy, khi hoàn thành người dân có thể chọn đi quốc lộ 20 hoặc đi đường cao tốc.

Việc xây dựng 2 tuyến cao tốc Dầu Giây - Liên Khương và Dầu Giây – Phan Thiết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vừa giảm tải cho quốc lộ 20 và quốc lộ 1A, đồng thời, kết nối hoàn chỉnh với đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây.

Khi các tuyến cao tốc này hoàn thành sẽ tạo ra sự liên kết thuận tiện giữa các tỉnh Nam Trung bộ, Tây Nguyên với TPHCM.

Theo số liệu của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), năm 2016 có khoảng 30 triệu lượt xe đi các tuyến đường cao tốc do VEC đang quản lý trên cả nước, tăng 33% so với năm 2015; doanh thu thu phí vượt 21% kế hoạch năm, tăng 30,5% so với năm 2015.

Năm 2017, VEC dự báo lượng xe đi các trên các tuyến cao tốc tăng 10% so với năm 2016. Số lượng xe đi đường cao tốc mỗi năm một tăng là cơ sở để thu hút các nhà đầu tư rót vốn xây dựng các tuyến đường cao tốc.

Nguồn tin: mobile.thesaigontimes.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây